Giá xăng cao khiến cháu phải chuyển sang đi xe buýt. Nhưng còn rất nhiều người kém may mắn hơn cháu. Họ phải nuôi con nhỏ, mẹ già với lương tháng chỉ bằng số tiền cháu được cha mẹ gửi cho. Và họ hiện đang không biết xoay sở ra sao.
Hà Nội, ngày 12/10/2012.
Thưa bác Bộ trưởng Bộ Tài chính,
Cháu là một chàng trai 19 tuổi, ngày ngày cắp sách đến giảng đường đại học. Cháu gửi thư này đến bác để bày tỏ sự bức xúc về giá xăng dầu hiện tại của Việt Nam.
Trong những ngày qua, giá dầu thô tại Hoa Kỳ trong mức 90USD/thùng.
Hơn thế, tại Singapore, thị trường cung cấp xăng dầu chính cho Việt Nam, giá xăng dầu cũng liên tục giảm. Trong 10 ngày qua, giá xăng dầu tại đây cũng chỉ quanh mức 122 USD/thùng ( giá xăng ron 92 tại đây chỉ còn 119,85USD/thùng, dầu diesel còn 128,63 USD/thùng). Dù cho giá xăng dầu trên thế giới giảm như vậy, nhưng có vẻ như các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có dấu hiệu của việc giảm giá bán lẻ xăng dầu.
Vậy mà mỗi khi giá xăng dầu trên thế giới biến động theo chiều hướng tăng, thì lập tức liên Bộ Tài chính-Công thương nhận được vô vàn những lá đơn xin được tăng giá từ các doanh nghiệp trên.
Họ luôn có rất nhiều lý do, mà phổ biến nhất là xoay quanh việc “lâu nay thua lỗ”. Nhưng thực tế cuộc sống cho cháu thấy rằng ít có một người kinh doanh nào lại chịu kinh doanh khi lỗ vốn.
Cháu cũng biết không nên vơ đũa cả nắm, cũng có những lý do khách quan khiến cho giá xăng có thể cao. Nhưng xăng cũng như điện, ga,… là một mặt hàng thiết yếu đối với cuộc sống, nhất là với một nước phương tiện đi lại chính là xe máy như Việt Nam chúng ta.
Dù giá xăng có cao đến mấy, người dân vẫn phải chấp nhận. Suy cho cùng, bên được lợi nhất vẫn là doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp được phép tính giá xăng theo cách của riêng mình. Trong khi đó, cách tính này còn khá nhiều kẽ hở, không hợp lý.
Bác ạ, với một sinh viên như cháu, việc phải sống xa nhà đã khá khó khăn. Vậy mà bác biết không, cháu còn khó khăn hơn rất nhiều kể từ khi xăng tăng giá.
Không còn tiền đổ xăng, cháu không đi học bằng xe máy nữa mà chuyển sang xe buýt, dù phải đối mặt với việc bị móc túi, bị chen lấn…
Nhưng đâu chỉ có thế, bác chủ nhà đã viện cớ giá xăng tăng rồi nên điện cũng lên 4.500 đồng/số, nước cũng thành 100.000 đồng/người.
Ra ngoài chợ, rau và thịt cũng lên giá theo. Sinh viên dường như lúc nào cũng thiếu thốn vậy bác nhỉ. Cũng may là cháu vẫn còn có thể ăn được ngày ba bữa, quần áo đủ mặc.
Nhưng còn rất nhiều người kém may mắn, họ phải nuôi con nhỏ, mẹ già với lương tháng chỉ bằng số tiền cháu được cha mẹ gửi cho. Thực sự nếu cháu ở hoàn cảnh của họ, cháu cũng không biết mình sẽ xoay sở ra sao giữa thời kỳ bão giá này.
Cháu thấy rằng nếu để giá xăng dầu theo đúng nghĩa thị trường thì gánh nặng kinh tế sẽ giảm đi rất nhiều. Cháu nghĩ bác cũng đang rất trăn trở về vấn đề này đúng không bác?
Cứ mỗi một ngày, một giờ trôi qua, người dân lại thở phào nhẹ nhõm vì hôm nay xăng không tăng. Nhưng rồi ngày mai lại phải lo âu không biết giá xăng sẽ như thế nào.
Nước ta còn là một nước đang phát triển, kinh tế vẫn còn khá nhiều khó khăn, vậy mà giữa thời kỳ lạm phát, giá cả đua nhau leo thang. Lợi ích của 80 triệu người dân Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào những thay đổi về giá xăng dầu. Cháu mong bác sẽ có những biện pháp tích cực hơn nữa đối với lĩnh vực thiết yếu này.
Cháu biết bác có nhiều việc phải lo toan, nếu bác có đọc bức thư này thì đó quả là niềm vinh hạnh lớn đối với cháu.
(bạn đọc Nguyễn Hoàng Nam - vnexpress.net)