Yêu nhau được mấy năm, chúng em “nghỉ giải lao” cũng đã vài lần, nhưng cuối cùng chung kết lại thì vẫn về với nhau. Đi xem bói, thầy bảo duyên thì ít, nhưng nợ quá nhiều. Cứ phải trói nhau đến hết đời mà… trả nợ dần! Nhưng giá như chỉ trói nhau và trả nợ bằng tình yêu chứ không phải bằng hôn nhân thì tốt biết mấy. Khổ một nỗi, ngoảnh đi ngoảnh lại em đã sắp sát deadline của “tuổi cưới”, chàng cũng đã lên dây cót tinh thần và muốn lập gia đình lắm rồi. Cơ mà, hành trình tiến tới hôn nhân thì chao ôi là nhức đầu và mệt não!
Thử thách số 1: Đám cưới nhà trai lo là chính
Tối cuối tuần, em với chàng đi chơi. Nếu ai đã yêu nhau đủ lâu đến độ đi chơi cũng thành thói quen thì chắc sẽ hiểu tình trạng của chúng em: Hết chuyện để nói! Nhất là với tần suất nhắn tin và gọi điện dày đặc của chàng, thú thật là em chẳng còn gì để tâm sự hay kể lể mỗi khi gặp nhau nữa. Chuyện hai đứa đã hết, thì phải lôi chuyện của bạn bè ra mà nói thôi. Đấy! Loanh quanh một hồi, thế nào lại nhắc ngay đến chuyện anh bạn thân của chàng, năm nay cưới vợ! Chàng kể, với giọng điệu vô cùng đồng cảm, rằng “Khổ thân nó, phải chạy vạy khắp nơi để vay tiền lo sửa nhà cưới vợ. Rồi bao nhiêu thứ phải sắm sửa”. Giá như chàng dừng câu chuyện ở đây, thì có lẽ em đã gục gặc đầu thông cảm cùng chàng rồi. Nhưng sau khi nghỉ lấy hơi, chàng lại chua thêm một câu “Đúng là lấy nhau chỉ có nhà trai lo là chính em nhỉ, nhà gái cứ tểnh tênh nhàn không!”. Ôi trời, chạm đúng tự ái của một đứa con gái chưa thích lấy chồng – là em đây. Cứ cho là nhà trai tốn hơn đi, nhưng nói thật, có tốn tiền tỉ thì vẫn là lời chán. Như em đây này, bố mẹ nuôi nấng, chăm chút, cho ăn học đàng hoàng, đi làm được mấy năm, báo đáp. Chăm sóc hai cụ chưa được bao lâu đã lại rục rịch lấy chồng! Được cả con gái nhà người ta về rồi còn so đo tính toán chuyện tiền bạc? Đấy là kiểu suy nghĩ gì thế?
Em điên lắm, nên xổ một tràng. Ừ thì em hay suy nghĩ, dễ tự ái và hơi thẳng tính, nhưng em nói đâu có gì sai? Trong lúc chàng vẫn chưa hết bàng hoàng thì em “chốt hạ” bằng một câu xanh rờn “Nếu cảm thấy quá mệt và tốn tiền thì tốt nhất là đừng cưới nữa anh ạ! Cứ yêu nhau như thế này thôi, thích thì sinh con, nhà anh anh ở, nhà em em ở, hằng ngày anh qua chơi với con, chơi chán thì về. Hề Hề!”. Em cứ nửa đùa nửa thật thế mà chàng hãi nhé. Đang lái xe mà phải quay hẳn đầu lại để nhìn thái độ của em. Tối về, chàng nhắn tin “Chỉ cần em đồng ý cưới anh, mình anh lo cho cả hai nhà cũng được!”. Em vừa đọc vừa khẽ mỉm cười. Đấy, thỉnh thoảng cũng phải làm căng, không là bị át vía và bắt nạt ngay!
Chướng ngại vật số 2: Ai là người tay hòm chìa khóa?
Chàng không phải công nhân viên chức, mà ở nhà làm kinh tế hộ gia đình. Mà hay ở chỗ, chàng không có nhu cầu quản lý tiền, nên dù là chủ cửa hàng, nhưng tiền lãi hàng tháng mẹ chàng đều cầm hết, và cấp lại cho chàng vài triệu đồng để ăn tiêu. Hồi trước yêu nhau, chàng vẫn thấm nhuần tư tưởng (và luôn mồm bảo với em rằng) ở với mẹ mẹ nuôi, sau này lấy vợ vợ nuôi, nên tiền chàng kiếm được sẽ đưa em cầm gửi mẹ hằng tháng thế nào thì hai vợ chồng bàn sau. Ấy thế mà mới tuần trước thôi, trong một lần đi chơi về, chàng (khi ấy đã ngà ngà say) thủ thỉ với em “Anh với mẹ bàn rồi, về sau cứ để mệ cầm tiền, mẹ lo hết ăn uống, phí sinh hoạt. Cháu cũng để bà nuôi. Vợ chồng mình nhàn tênh. Không phải lo lắng gì cả!”.
Biết chàng say nên em đã rất kiềm chế không làm ầm lên ngay lúc ấy. Em không bực chuyện chàng quyết định ai sẽ là người tay hòm chìa khóa, mà em khó chịu với thái độ không nhất quán, tiền hậu bất nhất của chàng. Bà nuôi cháu hết kiểu gì nhỉ? Em cứ nghĩ mãi vì câu nói đấy. Chả nhẽ sau này muốn mua sữa mua bỉm cho con cũng phải ngửa tay xin tiền bà nội. Bà lỡ đi chơi xa, ở nhà bố mẹ muốn mua cho con bộ quần áo cũng phải chờ bà về xuất kho rồi mới được sắm về? Hờ hờ, nếu thế thì em xin mạnh dạn không cưới nữa cho đỡ mệt đầu! Mà không phải mình em bị rơi vào tình cảnh này đâu nhé. Chồng chị bạn thân của em cũng na ná như thế này, tức là lương hằng tháng công ty trả vào tài khoản ngân hàng, và thẻ ATM thì mẹ chồng giữ. Chồng khoe có vài sổ tiết kiệm cả chục tỉ đứng tên chồng, nhưng sổ lại nằm yên trong tủ của… mẹ chồng! Sau khi tham khảo ý kiến bạn bè, em quyết định nói chuyện thẳng thắn và trình bày rõ ràng quan điểm của em. Sau một tuần suy nghĩ, chàng cũng đã đi đến quyết định. Nói thực là em cũng không quan tâm lắm đến quyết định của chàng đâu, vì chàng có nói một câu thế này “Em yên tâm và cho anh thời gian, rồi mọi chuyện sẽ ổn cả”. Em tin chàng. Và thế là quá đủ.
Đòn cân não số 3: Khách đến chơi nhà
Nhà người yêu em được cái ở trung tâm, rộng rãi thoải mái nên bạn bè chàng rất khoái đến tụ tập liên hoan. Mà tiết mục này thì em đã “may mắn” được thưởng thức vào Tết năm ngoái. Bốn ông con trai mà chiến hết hai chai rượu mạnh, rồi khề khà lôi nhau ra uống nước chè, vừa bàn thế sự vừa chơi tá lả, để mặc mẹ chàng và em dọn dẹp đến gần tiếng đồng hồ. Hôm trước đi chơi, chàng vô tình đề cập đến vấn đề này, vừa nhìn em vừa cười duyên “Sau này mình lấy nhau rồi, thỉnh thoảng anh rủ chúng nó đến ăn nhé!”. Em cũng cười lại tươi không kém “Thoải mái thôi anh, nhưng mà ăn xong thì anh rửa dọn nhé, em chỉ nấu nướng phục vụ được thôi! Chứ bọn anh nhậu khuya lắm, ai chờ mà dọn dẹp cho được”.
Chàng im lặng không nói gì. May quá, vì em chỉ sợ chàng lỡ miệng rằng “Thì sáng mai em dậy dọn cũng được mà!”. Chắc đánh nhau to luôn và gay quá! Cuối cùng, chàng tặc lưỡi và thủ thỉ “Thế thôi, anh chỉ rủ chúng nó đến tụ tập vào dịp Tết thôi, vợ chiều anh một ngày nhá!”. Em khấp khởi cười thầm trong bụng. Đúng là lạt mềm buộc chặt, chẳng phải lên gân cũng giải quyết được vấn đề!
Đấy, ai bảo cưới xin, hôn nhân là đơn giản, ra đây em đấm phát ngất luôn! Em mới lượn lờ vòng ngoài mà đã thấy đủ chuyện đau đầu rồi. Nhưng mà, đau đầu đến mấy cũng giải quyết được thôi, miễn là tình yêu và lòng tin dành cho nhau đủ lớn, để có thể thoải mái bày tỏ quan điểm và cùng nhau tìm cách vượt qua sóng gió. Mọi chuyện sẽ chỉ đi vào bế tắc, nếu như em nhất định im lặng, và chàng nhất định không chịu đổi thay. Thật là may, vì chúng em đều không làm như thế!
Giờ thì em chỉ còn mỗi một việc là chờ chàng cầu hôn nữa thôi.
Em sẽ gật đầu. Chắc chắn.
“Vì chúng mình cưới nhau được rồi, anh ạ!”.