Lâu nay người ta vẫn nói các sếp nam rất hay quấy rối nhân viên nữ dưới quyền. Và các cô, các chị nếu muốn được yên thân thì chỉ có cách là "chiều" sếp mà thôi. Hiện tượng đó khá phổ biến, tuy nhiên cũng có trường hợp ngược lại, nhiều sếp nam lại bị chính nhân viên nữ dưới quyền quấy rối.
Một người đàn ông tuổi trung niên từng bộc bạch hết sức chân thành rằng ông là tiêu điểm quấy rối của phái đẹp. Bởi ông thành đạt, giàu có, tính tình vui vẻ, hình thức nổi trội, lại có nhiều tài lẻ.
Lúc đầu ông thấy việc được chị em quan tâm, chiều chuộng cũng hay. Nhưng rồi bao nhiêu sự phiền hà. Nào là những người đó xét nét lẫn nhau, người này nói xấu người kia, rồi họ quay sang trách cứ ông quý em này hơn em kia. Chưa hết, họ còn đưa chuyện đến tai vợ ông, nói rằng ông đang bị em này em khác lợi dụng. Quá phiền hà và mệt mỏi, ông khổ sở lắm mới thoát ra khỏi mớ bòng bong của các người đẹp và thề sẽ tránh xa họ để được yên thân...
Là một phụ nữ đứng đắn, bạn sẽ không muốn mình bị mang tiếng là nhân tố quấy rối sếp ở cơ quan. Và càng không muốn vì chuyện đó mà gia đình bạn bất hòa. Vậy bạn cũng cần biết đâu là những hành vi quấy rối đàn ông để tránh:
Ăn mặc quá mát nơi công sở
Áo quá trễ cổ để lộ đôi gò bông đào, để lộ cả đôi vai trần, áo quá mỏng như nhìn xuyên được cả vào bên trong hay váy quá ngắn đến mức không thể ngắn hơn... rồi mùi nước hoa, mùi son phấn.
Bạn cứ như là một con bướm khoe hết hương sắc để dẫn dụ bầy đàn. Đàn ông sẽ rất khó kiềm chế khi bạn phát tín hiệu qua ăn mặc, trang điểm như vậy.
Hành vi cư xử và ngôn ngữ thể hiện
Bạn có cách ngồi quá hớ hênh, khêu gợi hay có những cử chỉ đụng chạm, gần gũi quá mức khi tiếp kiến sếp. Hay cách nói ỡm ờ, nửa kín nửa hở, cũng rất có tác dụng kích thích xúc cảm của người bên cạnh. Sếp sẽ hiểu bạn đang bật tín hiệu để sếp đồng lõa với bạn.
Luôn tạo cơ hội để được ở riêng với sếp
Bạn cố tình ở lại muộn khi thấy sếp chưa rời nhiệm sở và tỏ ra quan tâm, chăm sóc sếp: Hỏi xem sếp có muốn ăn, uống gì không để bạn đi mua, bạn có thể giúp đỡ sếp việc gì. Bạn chủ động mời sếp đi ăn trưa, uống cà phê ở những nơi khá kín đáo cứ như là muốn dành cho một chuyện riêng tư nào đó. Bạn mời sếp đến thăm nhà bạn khi không có chồng con ở nhà... Tất cả là tín hiệu của việc bạn sẵn sàng có mối quan hệ riêng tư với sếp.
Luôn gợi ý sếp cho đi đây đi đó cùng
Dù biết những chuyến đi công tác xa của sếp chẳng liên quan gì đến công việc chuyên môn của mình nhưng bạn vẫn nài nỉ sếp cho bạn đi cùng. Việc sếp đi ngoại giao, chiêu đãi đối tác cũng không phải trách nhiệm của bạn nhưng bạn luôn tìm cách để sếp đưa bạn theo.
Đây là môi trường nguy hiểm nhất đưa sếp tới chỗ không giữ được khoảng cách với bạn, và thông đồng với những hành vi cố tình quấy rối của bạn.