Ảnh - Con lai Việt – Mỹ tại VN sau 1975

Cuộc sống của những đứa trẻ con lai mẹ Việt - bố Mỹ đã được nhiếp ảnh gia Philip Jones Griffiths lột tả chân thực qua những bức ảnh chụp năm 1985.


Trong chiến tranh Việt Nam, nhiều quân nhân, nhân viên phục vụ trong quân đội và các cơ quan, tổ chức của Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã “kết đôi” với phụ nữ địa phương và sinh ra những em bé con lai Việt – Mỹ. Hầu hết những đứa trẻ đó đã lớn lên trong hoàn cảnh không có cha khi người Mỹ rút khỏi Việt Nam…


Tuyết Mai là cô con gái 13 tuổi của bà Nguyễn Thị Ba. Em sinh ra ở Nha Trang, nhưng hiện sống ở Vũng Tàu cùng gia đình. Cùng đứa em gái tên là Anh mới 5 tuổi, Mai đi bán đậu phộng trên bãi biển cho du khách. Khu vực em bán hàng là nơi tập trung du khách Nga và Đông Âu, và dung mạo “lai Tây” giúp em thu hút sự chú ý hơn. Mai không biết gì về cha mình. Sau khi bức ảnh này được đăng trên tạp chí Life năm 1985, nhiều cựu binh Mỹ, và cả vợ của một số cựu binh, đã yêu cầu công bố danh tính của cô bé. Một người đã thu xếp để đưa Mai sang Mỹ, dù tuyên bố về việc ông là cha đẻ của Mai bị nghi ngờ.


Hai em Nguyễn Thị Xuân Trang và Nguyễn Anh Tuấn là con của bà Nguyễn Thị Hợp và ông Robert Z. Lewis, người đến từ Nam Carolina, từng phục vụ trong đơn vị không quân Mỹ đóng tại Cần Thơ. Bà Hợp đã sống cùng tình nhân trong vài năm, dù biết rằng ông đã có vợ và hai con bên Mỹ. Robert đã không liên lạc lại, dù từng hứa hẹn đưa bà sang Mỹ sinh sống. Hiện tại (1985), bà Hợp và hai con sống tại TP HCM tại một căn nhà tạm bợ.


Cu Tèo sống với bố mẹ nuôi của mình là ông Trần Văn Bảo và bà Trần Thị Hằng trên mảnh đất nhỏ cách phía Bắc của Bến Tre khoảng 10 km. Em đã bỏ học để làm ruộng như mọi người nông dân khác trong vùng vì thường bị bẹn bè trêu chọc về nguồn gốc con lai của mình. Cu Tèo bị mẹ bỏ rơi trong một khu rừng khi di tản khỏi Kontum trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam vào năm 1975, khi đó em mới 5 tuổi. Sau chiến tranh, một số người đã ngỏ ý muốn “mua” cậu bé Việt lai Mỹ này, nhưng đều đã bị từ chối. Khi gặp phóng viên, Cu Tèo đã bỏ chạy, và chỉ bình tĩnh lại khi biết rằng người đàn ông lạ mặt đến đây không phải để bắt mình đi.


Em Lê Thị Liên sống với mẹ nuôi của mình là bà Trần Thị Sinh trong một cửa hàng văn phòng phẩm ở Chợ Lớn sau khi mẹ đẻ qua đời khi mới 3 tháng tuổi. Cha của Liên là một kĩ sư Mỹ làm việc ở Sài Gòn rồi về nước năm 1970. Khi nghe tin mẹ Liên mất, ông đã hỗ trợ tài chính để nuôi Liên. Nhưng sau đó ít lâu, bà Sinh đã nhận được một bức thư từ vợ của người kĩ sư Mỹ, viết rằng: “Đừng bao giờ cố gắng để liên lạc với chồng tôi nữa”. Hiện Liên học ở ngôi trường đối diện với cửa hàng của mình. Em tỏ ra có năng khiếu ở môn điền kinh, thể dục dụng cụ và đã giành giải nhất nội dung chạy cự li ngắn trong một cuộc thi.


Lê Thị Út, 13 tuổi, là con gái của bà Lê Thị Mai với một lính Mỹ da đen. Ngoài Út, bà Mai còn có nhiều đứa con khác với một người đàn ông Việt Nam. Lê Thị Út hiện theo học ở trường tiểu học mang tên Vĩnh Phú ở tỉnh Bến Tre, nơi em được làm lớp trưởng. Em biết rất ít về người cha của mình – người không có tên trong hồ sơ nhập học – ngoại trừ việc ông đóng quân ở Bến Tre thời gian chiến tranh. Út quả quyết rằng mình muốn được ở lại Việt Nam, thay vì lựa chọn sang Mỹ như nhiều trường hợp con lai khác.


Loan Anh, một cô bé có cha là người Mỹ ở bên mẹ là bà Hồ Thị Thu. Dù bây hiện tại sống ở Bến Tre, nhưng Loan Anh được sinh ra ở Đà Lạt, nơi mẹ em làm giáo viên thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Hiện giờ bà Thu làm nghề thợ may, và bà đã dạy nghề này cho con gái mình. Ngoài việc học nghề, Loan Anh đang bận rộn học tiếng Anh để chờ cơ hội sang Mỹ sinh sống.


Vương Thị Mỹ Linh và mẹ cô bé là bà Vương Thị Mai Phương, người từng làm nhân viên trong câu lạc bộ của USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ) trên đường Trần Quý Cáp ở Sài Gòn. Cha của Mỹ Linh là Robert C. Turner, một cựu nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Ông đã rời khỏi Việt Nam năm 1973.


Vuong Tu Than (?) là con trai của bà Vương Thị Phụng Mai, trước kia làm thư ký trong văn phòng của Công ty Kỹ sư Thái Bình Dương ở Sài Gòn. Cha của em là Jerry E. Martin, đến từ thành phố Dallas, Texas, đã rời khỏi Việt Nam vào năm 1973. Bà Mai sống cùng con trai trong căn nhà do ông nội - một người giỏi tiếng Pháp và từng làm việc trong thư viện Đại sứ quán Pháp thời kỳ chiến tranh - để lại ở trung tâm TP HCM.