Miền Trung: Oằn mình trong nỗi đau

Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Không để người dân nào bị đói rét” - Quảng Ngãi: Mọi nỗ lực cứu hộ Tây Trà đều bế tắc! - Đà Nẵng: Vỡ đập, 300 HS và du khách thoát chết trong gang tấc - Quảng Bình: Một phụ nữ cứu người bị nước cuốn chết, để lại 7 đứa con thơ - Báo Tuổi Trẻ cứu trợ khẩn cấp 40 gia đình có người bị thiệt mạng.

Tính đến 20g ngày 28-11, lũ lụt trên địa bàn miền Trung đã làm 40 người chết, còn số người mất tích lên đến 23 người. Theo ước tính ban đầu, cơn lũ lụt kéo dài từ ngày 17 đến 29-11 đã làm thiệt hại ở các tỉnh miền Trung lên đến 205 tỉ đồng. Nỗ lực chống chọi với lũ lớn

Quảng Trị: nước bắt đầu rút

Đến chiều 28-11, mực nước các sông trên địa bàn đã xuống thấp. Hầu hết chỉ còn ở mức báo động 2. Trong năm ngày mưa lũ trên toàn địa bàn đã có năm người thiệt mạng. Toàn tỉnh có trên 20.000 ngôi nhà bị ngập, 50% trong số này bị ngập nặng từ 2-3m. Ngoài 54 điểm sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh với khối lượng 6.000m3 đất đá bị sạt, con đê chắn cát của huyện Hải Lăng cũng bị sạt lở nghiêm trọng tại các xã Hải Ba, Hải Quế, Hải Dương...

Một thông tin đáng mừng là 15 người dân đi trồng rừng ở xã Hải Lâm (Hải Lăng) bị mất liên lạc trong mấy ngày qua (Tuổi Trẻ đã đưa tin hôm 27-11) đã thoát lũ về nhà an toàn vào chiều 28-11.

Thừa Thiên - Huế: tái diễn cơn lũ lịch sử năm 1999

Chiều 27-11, chúng tôi theo đoàn cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ Thừa Thiên - Huế đến với bà con vùng tâm lũ của huyện Phong Điền là hai xã Phong Thu và Phong Hòa. Nước lũ từ con sông Ô Lâu “quần” trên địa bàn hai xã này từ hai ngày qua.

Tại các thôn Tây Lái, Đông Lái, Ưu Thượng (xã Phong Thu) có chừng hơn 200 hộ dân, nhưng nước lũ nhấn chìm tất cả. Họ hoàn toàn bị cô lập từ hai ngày trước, và phần lớn bà con phải di dời lên vùng đồi cao tránh lũ. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, người dân thôn Ưu Thượng, nói: “Bọn tui cũng quá bất ngờ trước cơn lũ này, nó nguy hiểm chẳng kém gì lũ lịch sử 1999 dù mức nước chỉ kém 30 phân. May mà thân còn giữ được!”.

Từ giữa dòng sông Ô Lâu, chúng tôi gọi điện cho đồng nghiệp đi theo đoàn về phía vùng trũng Quảng An, Quảng Thọ, Quảng Lợi... (huyện Quảng Điền), từ dưới đó nước lũ đang giữ mức rất cao có nơi đến hơn 2m. Tất cả các con đường trên địa bàn huyện đều bị chia cắt.

Đà Nẵng: vỡ đập, 300 học sinh và du khách thoát chết

Vào lúc 17g ngày 26-11, do mưa lớn ở vùng thượng nguồn sông Cu Đê (TP Đà Nẵng) đã khiến hệ thống đập ngăn nước của nhà máy nước thuộc Cosevco (Tổng công ty Xây dựng miền Trung) phục vụ Khu công nghiệp Hòa Khánh bị vỡ.

Điều đáng nói là trong khi đập bị vỡ, tại khu du lịch Suối Lương có gần 300 học sinh của làng Hi Vọng Đà Nẵng (chủ yếu mồ côi và khuyết tật) và các du khách nước ngoài (thuộc Công ty Unilever) đang tổ chức giao lưu sinh hoạt tại đây. Ngay sau khi phát hiện đập bị vỡ, lực lượng cứu hộ tại khu du lịch Suối Lương đã phối hợp với lực lượng cứu hộ TP Đà Nẵng lập tức di chuyển toàn bộ người và phương tiện vào nơi tránh lũ an toàn.

Mặc dù đã được thông báo vào nơi neo đậu an toàn, thế nhưng gió và nước lớn trong đêm 27-11 đã làm 15 tàu thuyền bị cuốn trôi từ hạ lưu sông Hàn ra đến cửa vịnh Đà Nẵng.

Ngay lập tức trực ban tác chiến bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng đã chỉ đạo đồn biên phòng Hải đội 2 tiến hành cứu hộ, cứu nạn. Kết quả đã kéo và đưa được tám tàu cá cùng 13 thuyền viên vào nơi trú ẩn an toàn.

Quảng Nam: ngập trong lũ dữ

Đã hơn ba ngày qua, Quảng Nam ngập chìm trong lũ dữ. Toàn bộ năm huyện phía bắc của tỉnh với hơn 200.000 hộ nhà dân bị ngập chìm trong nước. Trong khi đó toàn bộ các huyện miền núi của tỉnh bị cô lập, chia cắt hơn sáu ngày nay.

Tại huyện Đại Lộc, Hội An và Duy Xuyên, nằm trong lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn, hơn 90% nhà dân ngập chìm trong nước. Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Trương Công Kích cho biết đã di dời khẩn cấp toàn bộ số hộ dân vùng bị ngập lụt đến nơi an toàn.

Tại đô thị cổ Hội An, đến 16g chiều 28-11 vẫn còn ngập chìm trong nước từ 0,5 - 1m. Chủ tịch UBND thị xã Lê Văn Giảng cho biết toàn bộ số hộ dân ở vùng ngập lụt đã được đưa đến nơi an toàn, không còn phải lo lắng cho tính mạng cũng như đời sống.

Quảng Ngãi: bất thành khi "lập cầu hàng không" cho Tây Trà

Sau gần mười ngày bị cô lập hoàn toàn, sáng 28-11 chiếc trực thăng mang ký hiệu KA 32T thuộc trung đoàn 954, sư đoàn 372 đã hạ xuống sân bay Quảng Ngãi nhằm thiết lập “cầu hàng không” đưa hàng cứu trợ đến huyện miền núi Tây Trà. Lúc 11g50 trưa 28-11, chuyến bay cứu hộ đầu tiên từ sân bay Quảng Ngãi bắt đầu cất cánh hướng về Tây Trà. Máy bay chở theo lều bạt, 2 tấn mì tôm, 1 tấn gạo, 100 chiếc áo ấm và một bác sĩ lên tăng cường công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc.

Từ trên không nhìn xuống, mưa và mây mù giăng kín đen bầu trời, dù đã cố gắng hết sức nhưng tổ lái không thể xuống được vì không còn xác định được hướng hạ và đành tìm hướng quay về sân bay Quảng Ngãi.


(Nguồn TT)