Được làm cha, làm mẹ là niềm hạnh phúc lớn lao của nhiều người, thế nhưng trước khi mang thai bạn cũng cần phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng.
Tuy điều kiện chăm sóc y tế ngày nay giúp ích rất nhiều cho việc thụ thai, và mang thai trở nên an toàn, đảm bảo hơn trước rất nhiều nhưng nếu bạn càng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng bao nhiêu thì khả năng an toàn và khỏe mạnh cho cả mẹ và bé càng cao bấy nhiêu.
Đi kiểm tra sức khỏe
Việc này có ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe của cả mẹ và bé. Thông qua việc kiểm tra sức khỏe và tìm hiểu thông tin về lịch sử bệnh lý của hai vợ chồng, bác sỹ sẽ có những đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe sinh sản của cả hai, khả năng thụ thai và sinh con, những trường hợp nên và không nên mang thai, những trường hợp cần phải được theo dõi trong quá trình mang thai, và cả những tư vấn cần thiết để thụ thai thành công.
Từ bỏ những thói quen sinh hoạt không tốt
Ngoài ra, thói quen sinh hoạt không tốt thường ngày cần bỏ như hút thuốc, cà phê... thì những đồ uống có cafein như trà, cà phê cũng phải hạn chế uống hoặc ngừng lại, vì nếu sau này có thai sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nếu phụ nữ nhiễm khói thuốc hay hút thuốc thì đều sẽ ảnh hưởng tới cân nặng của thai nhi, trẻ sinh ra thường có xu hướng nhẹ cân.
Kiểm tra chế độ dinh dưỡng
Thừa cân hay thiếu cân cũng có thể giảm khả năng thụ thai. Vì thế bạn phải cân bằng hợp lý chế độ dinh dưỡng của mình.
Thai nhi chỉ được khỏe mạnh nếu người mẹ có chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất dinh dưỡng. Cả 2 vợ chồng cần tăng thêm dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm protein động vật. Đồng thời, cũng nên bổ sung vitamin và khoáng chất cho người mẹ. Mỗi ngày bạn ăn 2 chén trái cây, ½ chén rau, các loại ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm chứa nhiều chất như đậu, các loại hạt, nước cam, sữa chua, những chất giàu protein cũng rất tốt cho bạn trước khi mang thai.
Bắt đầu uống 1 viên vitamin có chứa 0,4mg (400mcg) axit folic/ngày trước khi mang bầu 3 tháng để giảm nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi. Ngoài ra, bạn cũng cần bổ sung canxi ở thời kỳ này. Tốt nhất là bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn để uống đúng liều lượng cần thiết.
Ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai
Nếu bạn đang đặt vòng tránh thai thì hãy tháo bỏ trước khi chuẩn bị thụ thai vì vòng này có khả năng gây ra nhiễm trùng. Sau khi tháo vòng ra bạn cần phải đợi đến 2-3 kỳ kinh nguyệt ổn định trở lại mới nên có thai
Ngừng uống thuốc ngừa thai ít nhất là trước 2 kỳ kinh liên tiếp trước khi muốn thụ thai. Phụ nữ uống thuốc tránh thai dài ngày phải ngừng uống trên 6 tháng mới được có thai, để tránh ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
Bạn cần lưu ý rằng thuốc tránh thai có thể gây cản trở cho cơ thể khi hấp thu một số vitamin và khoáng chất. Những vitamin và khoáng chất này lại đặc biệt rất cần thiết để cơ thể người mẹ cung cấp cho thai nhi phát triển sau này.
Ghi lại kỳ kinh nguyệt
Việc này sẽ giúp bạn có thể tính được tuổi thai và ngày dự sinh. Xác định tuổi thai rất quan trọng trong các xét nghiệm, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu và cách điều trị trong quá trình mang thai.
Hà Đinh (Tổng hợp)