Kêu khó khăn, lãnh đạo tập đoàn vẫn thu tiền tỷ

Không chỉ ngân hàng, ở những ngành không được xem là ‘hot’, giá cả vẫn thuộc diện nhà nước điều tiết nhiều như: hàng không, điện, xăng dầu và lương thực… các lãnh đạo vẫn thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng. 


Cho dù hoạt động kinh doanh thời gia qua gặp nhiều khó khăn. 

Kêu khó, lương thưởng vẫn cao

Hồi tháng 5/2012, Vietnam Airlines kêu khó tới Bộ Tài chính để xin ưu đãi thuế nhiên liệu bay. Khi đó, Tổng công ty này đã bị đội chi phí hơn 303 tỷ đồng do giá nhiên liệu tăng. Với tỷ lệ chiếm 30% tổng doanh thu vận tải hàng không nội địa, Vietnam Airlines đánh tiếng rằng: "nếu thị trường vận tải nội địa những tháng cuối năm tiếp tục khó khăn, chi phí đầu vào gia tăng thì Vietnam Airlines sẽ cực kỳ khó khăn trong việc đảm bảo cân đối sản xuất kinh doanh".

Và thực tế, năm 2012, lợi nhuân của Vietnam Airlines đã sụt giảm, chỉ bằng 1/3 so với năm trước.

Tuy nhiên, theo thống kê của cơ quan quản lý cho biết, năm 2012, tổng thu nhập của lãnh đạo Tổng công ty này đều đứng thứ 11, 12. Thu nhập ngang nhau, đều khoảng 1,1 tỷ đồng, giảm 100 triệu đồng so với thu nhập của năm 2011. Trung bình mỗi tháng, các vị này hưởng thu nhập hơn 90 triệu đồng.



Tương tự, ở Tập đoàn điện lực Việt Nam. Năm 2011, kinh doanh điện lỗ nặng, khoảng 5.300 tỷ đồng vì thủy điện sụt giảm. Trong một cuộc họp báo về công bố giá thành điện năm 2011, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN đã trần tình khi nhân viên ngành điện hưởng lương trung bình có 7,3 triệu đồng/tháng".

Sau đó, Phó Tổng giám đốc Đinh Quang Tri đã giãi bày trên báo chí, lương cửa lãnh đạo EVN chỉ khoảng trên 30 triệu đồng/tháng mà thôi.

Thống kê của cơ quan quản lý có được lại cho 1 con số khác. Tổng thu nhập của lãnh đạo EVN năm 2011 - năm lỗ lớn lên tới 840 triệu đồng, đứng thứ 27 trong số 62 vị được liệt kê. Sang năm 2012, thu nhập của vị lãnh đạo này đã bị giảm tới hơn 53%, chỉ còn 399 triệu đồng. Bình quân theo tháng, nếu năm 2011, vị này có mức thu nhập tới 72 triệu đồng/tháng thì năm 2012 chỉ còn hưởng thu nhập 27 triệu đồng/tháng.

Đối với Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, khi mà lỗ tới hơn 2.600 tỷ đồng, nguồn tin cũng cho biết, lãnh đạo cũng được trả thu nhập hơn 1- 1,2 tỷ đồng năm 2011. Hai vị lãnh đạo này chỉ đứng thứ 14, 17 trong bảng xếp hạng thu nhập khủng năm 2011. Tới năm 2012, thu nhập 2 vị lãnh đạo trên cũng giảm tới trên 30%.

Ở Tập đoàn Than- khoáng sản Việt Nam, dù năm 2012 liên tục xin giảm thuế xuất khẩu vì khó khăn, giá than thế giới bị "rớt", lại phải bù 8.000 tỷ đồng khi bán than cho điện thì lãnh đạo Tập đoàn này vẫn kiếm được khoản tiền cao ngất ngưởng. Trong đó, lãnh đạo Vinacomin chỉ đứng thứ 16 với thu nhập hơn 1 tỷ, đứng năm 2011 và gần 850 triệu đồng/năm 2012.

Trung bình mỗi tháng, các vị lãnh đạo có thu nhập 80-90 triệu đồng. Con số này cách biệt quá xa so với mức thu nhập bình quân chỉ 7 triệu đồng/người/tháng đối với lao động ngành than, ngành điện.

Một góc nhìn khác

Lương cao, thưởng lớn phải gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Song, thực tiễn ở các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước lại cho thấy một bức tranh rất khác.

Đơn cử như ở Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Kiểm toán Nhà nước vừa qua đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, sai sót trong đầu tư, các lãnh đạo ở đây vẫn có thu nhập đáng để mơ.

Theo Kiểm toán nhà nước, năm 2011, lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của Vinafood 2 đạt 18,23%. Lợi nhuận sau thuế năm 2011 vẫn giảm 113 tỷ đồng so với 2010. Sang năm 2012, tỷ suất lợi nhuân/vốn chủ sở hữu thấp năm 2012 đạt 4,49%.

Trong đầu tư kinh doanh, Vinafood 2 được đánh giá là quản lý tài chính, công nợ không chặt chẽ, khi ứng trước tới 80-90% giá trị hợp đồng nhưng chưa ban hành quy chế về ứng vốn cho người bán hàng. Cùng đó, những khoản đầu tư bất động sản, vận tải biển của Tổng công ty này không hiệu quả. Vinafood 2 đầu tư vào chứng khoán của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam 59,5 tỷ đồng, thua lỗ phải trích lập dự phòng 47,7 tỷ đồng; mua cổ phiếu Vietcombank 52,57 tỷ đồng, giá niêm yết chỉ còn 16,64 tỷ đồng. Nợ phải trả/vốn của Vinafood 2 là cao, tới 65%.

Đối với Vinafood 1, vi phạm cũng tương tự khi Tổng công ty này ứng trước tiền mua hàng lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng không áp dụng các hình thức bảo lãnh, bảo đảm cho tiền ứng trước, chậm thu hồi dẫn đến nguy cơ mất vốn lớn. Cụ thể, một số công ty trực thuộc Vinafood 1 đã ứng trước tới 90% giá trị hợp đồng nhưng khách hàng chưa hoặc không giao hàng, như trường hợp Công ty CP Xây dựng và chế biến lương thực Vĩnh Hà 21,12 tỷ đồng, Cty Lương thực Thanh hóa 4,61 tỷ đồng, Cty CP lương thực Thanh Ngệ Tĩnh 144,87 tỷ đồng.

Theo Kiểm toán, đầu tư chứng khoán của đơn vị này cũng thua lỗ lớn. Công ty mẹ Vinafood 1 đầu tư 118,53 tỷ đồng, phải tích ;ập dự phòng 42,23 tỷ đồng. Nợ phải trả/vốn cao, tới 68%.

Dù quản trị kinh doanh yếu kém nhưng những người đứng đầu 2 đơn vị trên vẫn có thu nhập khủng, chẳng kém cạnh ngành ngân hàng. Theo thông tin từ cơ quan quản lý, lãnh đạo Vinafood 2 có thu nhập từ trên 900 triệu đến trên 1,5 tỷ đồng trong năm năm 2011 và mức 980 triệu - hơn 1 tỷ trong năm 2012.

Thu nhập bao gồm cả lương, tiền thưởng theo cơ chế mới nhất về chính sách tiền lương cho các vị lãnh đạo DNNN, mức lương, thưởng đều bị khống chế với mức thấp hơn rất nhiều các con số trên, đồng thời, thông tin một thời được giữ kín này sẽ buộc phải công bố công khai trên website của cơ quan chủ quản.
nguồn: báo dân trí