Kết hôn là một bước ngoặt không chỉ trong tình yêu mà còn trong cả cuộc sống của mỗi người. Vì thế, bạn cần phải có sự chuẩn bị tốt nhất về cả tinh thần và vật chất để bước qua cánh cửa hôn nhân.
Nếu vẫn còn hoang mang về một tương lai bất định, hãy “thử” kết thúc cuộc sống độc thân của mình bằng những việc sau.
Ảnh minh họa. |
Đi du lịch với người bạn đời tương lai: Hai bạn luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và bình yên khi được ở bên nhau mỗi tối cuối tuần, nhưng đó chỉ là khoảng thời gian từ 2-3 tiếng. Thế còn thời gian là 100-150 tiếng, tương đương với gần 1 tuần lễ, mọi chuyện sẽ thế nào? Liệu còn khát khao được ở bên nhau hay còn cảm giác yêu đương tưởng chết? Khi phải đối phó với những tình huống khó khăn khi đi du lịch, hai bạn sẽ phần nào khám phá được bản thân và đối phương. Vì thế, nếu có cơ hội, hãy cùng chàng thực hiện một chuyến du lịch “phượt”. Chắc chắn đó sẽ là một trải nghiệm đắt giá trước khi chính thức làm vợ của bạn.
Vượt qua một nỗi đau lớn: Nghe thì có vẻ vô lý nhưng có một sự thật không thể phủ nhận rằng, những biến cố, những khó khăn luôn khiến bạn can đảm hơn, mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn rất nhiều. Đó cũng là những hành trang mà bạn phải chuẩn bị cho mình trước khi bước chân vào “cuộc chiến” mang trên hôn nhân.
“Đá” một ai đó: Khi còn là bạn gái của chàng, rất có thể bạn vẫn có suy nghĩ muốn tìm kiếm những cơ hội tốt hơn, làm quen với anh chàng này, anh chàng kia để… mở mang tầm mắt. Thế nhưng, khi đã chính thức trở thành người của chàng, bạn không thể ỡm ờ như thế được. Hãy tập cách dứt khoát với những anh chàng vẫn còn mộng tưởng về việc "đánh đồn có địch" nhé. Đừng để những thứ tình cảm mông lung mang tên "say nắng" làm ảnh hưởng tới cuộc sống sau này của bạn, nếu không bạn sẽ phải hối tiếc đó.
Có một khoản tài chính nhất định: Ngay cả khi đức lang quân của bạn là một đại gia và có thể “nuôi” bạn no ấm cả cuộc đời này thì bạn cũng nên có một khoản tài chính nhất định. Phụ nữ càng độc lập về tài chính, càng cảm thấy tự tin và làm chủ được cuộc sống của mình. Bạn nên nhớ bạn không thể ngửa tay xin tiền chàng từ mớ rau cho tới bộ đồ lót. Tuyệt đối đừng biến mình thành “gánh nặng” chỉ muốn vứt bỏ của người khác, đặc biệt là chồng tương lai.
Bàn tính về tài chính của hai người trong tương lai: Nếu như trước kia tiền điện, tiền nước, tiền ăn thậm chí tiền vệ sinh đều là thứ mơ hồ với bạn thì giờ mọi chuyện đều nằm trong tay hai bạn. Các bạn sẽ phải tập cách chi tiêu mọi khoản từ A-Z. Vì thế, hãy lên kế hoạch chi tiêu, có thể ngắn hạn hoặc dài hạn nhưng ít nhất phải có một sự “thoả thuận” và tính toán nho nhỏ để cuộc sống hôn nhân của bạn không ở trong tình trạng căng như dây đàn chỉ vì tiền.
Sống một mình: Nếu bạn đang ở cùng với bố mẹ hoặc bạn bè, hãy chủ động tách ra sống độc lập một khoảng thời gian trước khi “chống lầy”. Tại sao ư? Thứ nhất: độc lập, tự do muôn năm. Thứ hai: sống một mình giúp bạn nhận ra sự quan trọng của người bạn đời trong tương lai đối với cuộc sống của bạn và trân trọng những đóng góp của anh ấy trong việc xây dựng một tổ ấm sau này.
Sống thử: Mặc dù việc sống thử không được khuyến khích song nó giống như bạn chạy thử xe trước khi mua hàng để xác định chính xác xem hai bạn có thực sự sẵn sàng cho một cuộc sống dài lâu bên nhau hay không.
Ăn chơi mùa hè: Không còn gì tuyệt vời hơn nếu bạn có thể tận hưởng một kỳ nghỉ hè thoải mái, thậm chí có phần “thác loạn” để kết thúc cuộc sống độc thân của mình. Hãy tranh thủ tới những nơi bạn muốn tới, ăn những món bạn muốn ăn, làm những việc bạn hằng ước ao và gom cho mình những trải nghiệm và kỷ niệm không thể quên.
Học cách nấu ăn: Đây là việc mà bất cứ cô nàng nào cũng cần phải học, thậm chí ngay cả khi chưa có ý định ràng buộc cuộc đời mình với một người đàn ông. Đơn giản là vì con đường ngắn nhất để đến trái tim chính là đi qua dạ dày. Không tin ư? Bạn cứ thử nấu ăn ngon xem chàng có muốn trở về tổ ấm ngay sau khi tan làm không.
Quan tâm tới bản thân mình: Bạn cần yêu thương và chăm sóc cho chính bản thân mình trước khi nghĩ tới chuyện lo lắng cho người khác. Vì thế, hãy chiều chuộng bản thân mình một chút, quan tâm tới cơ thể, sức khoẻ và nhan sắc của mình một chút trước khi san sẻ sự quan tâm ấy cho người bạn đời sau này.
'Nổ' một cuộc chiến lớn với người bạn đời tương lai: Nếu hai bạn không có bất đồng gì về tương lai thì chuyện bỗng dưng gây sự quả là điều ngớ ngẩn. Thế nhưng, bạn vẫn còn khúc mắc và rất nhiều điều cần giải đáp, cần tranh luận thì đừng để dành chúng sau đêm tân hôn, hãy trao đổi thậm chí là tranh luận nghiêm túc với chàng để bạn không phải hoang mang, lo lắng trong chính ngày cưới của mình.
Hẹn hò với những người xung quanh: Sau hôn nhân, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi khá nhiều. Quỹ thời gian của bạn sẽ trở nên hạn hẹp hơn. Vì thế, trước khi bị cuốn theo guồng quay của chuyện chồng con, hãy dành chút thời gian trước đám cưới để gặp gỡ những người bạn cũ, những người ở xa lâu ngày chưa gặp.
Đối mặt với nỗi sợ hãi nhất trong đời: Bạn sợ chuột, sợ ma quỷ hay chỉ đơn giản là sợ thuyết trình trước đám dông hoặc ăn uống một mình ở nơi công cộng? Phía trước bạn có thể còn rất nhiều điều đáng sợ hơn thế. Vì vậy, hãy thử vượt qua nỗi sợ hãi của mình ngay bây giờ.
Có một người bạn tâm giao: Không phải chuyện gì trong cuộc sống, bạn cũng có thể chia sẻ với người đàn ông của mình. Vì thế, hãy đảm bảo rằng bạn luôn có một người bạn tri kỷ, có thể là mẹ, chị em gái hay một cô bạn thân để dù có chuyện gì đi chăng nữa, bạn vẫn có người ở bên bầu bạn, tâm sự.
Tập trung vào sự nghiệp của mình: Không phải bạn không thể theo đuổi những ước mơ khi đã kết hôn, nhưng tốt hơn hết hãy bắt đầu đặt nền móng trước khi đặt chân vào cuộc sống gia đình.
Suy nghĩ về những đứa trẻ: Bạn từng mơ về một ngôi nhà và những đứa trẻ nhưng liệu bạn đã từng thực sự suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề sinh con? Nếu chưa thì còn đợi tới bao giờ đây?
Sống lành mạnh hơn: Trước đây bạn chỉ có một mình nên mọi thứ vẫn còn có thể “thôi, để mai tính”, ăn xong có thể nằm ườn ra mai rửa bát, quần áo có thể cả tuần không giặt. Nhưng khi đã xây dựng tổ ấm, sống cùng đức lang quân, thậm chí có thể là cả gia đình chàng, bạn không thể “mèo lười” như thế được. Tốt hơn hết là nên đốc thúc lại chính bản thân mình trước khi bị chính chồng hoặc thê thảm hơn là mẹ chồng chỉnh đốn.